Báo cáo chiến lược khoáng sản cần có số liệu đánh giá
15/12/2018 - 10:44 AM

Báo cáo chiến lược khoáng sản cần có số liệu đánh giá

(Xây dựng) – Báo cáo tổng kết chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 cần có số liệu đánh giá minh họa cho 05 mục tiêu chiến lược và có mốc thời gian cụ thể hoàn thành công tác lập bản đồ địa chất, điều tra khoáng sản.
Đây là một trong những góp ý của Bộ Xây dựng về dự thảo Báo cáo tổng kết chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện.
Sản phẩm đá tại doanh nghiệp Sơn Phú: xem thêm

Ảnh minh họa.
Minh họa bằng số liệu
Theo đó, đối với công tác lập bản đồ địa chất, cần bổ sung làm rõ đến nay đã hoàn thành việc lập bản đồ địa chất khoáng sản các tỷ lệ 1:50.000; 1:100.000 được bao nhiêu % trên tổng diện tích cả nước; còn những phần đất liền, vùng biển, hải đảo nào chưa lập bản đồ địa chất khoáng sản. Trên cơ sở đó để đưa vào nhiệm vụ điều chỉnh của chiến lược cho các năm tiếp theo.
Cần đánh giá đến nay đã chấm dứt được bao nhiêu cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường.
Đối với các nội dung về tồn tại, hạn chế, cần bổ sung các tồn tại liên quan đến việc chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản (như titan, cát trắng thủy tinh...) với các quy hoạch khác như quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, du lịch sinh thái… trong thời gian qua ở một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh ven biển như: Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận…
Cần đề ra các định hướng, chính sách và giải pháp phù hợp trong chiến lược điều chỉnh đối với các hiện trạng như: Hiện tượng cấp phép chồng lấn với các quy hoạch khác hoặc cấp phép dọc theo các sườn đồi, núi và dọc các tuyến quốc lộ trong cấp phép thăm dò, khai thác đá làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường ở một số địa phương; Việc khai thác, chế biến đá làm VLXD thông thường gây ảnh hưởng đến môi trường và không đảm bảo an toàn lao động vẫn còn phổ biến ở một số địa phương; Hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông gây sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là việc khai thác trái phép tại các địa phương vẫn diễn ra chưa được xử lý triệt để…
Làm rõ thêm sự cần thiết phải điều chỉnh chiến lược khoáng sản; Đánh giá những tác động về chính sách, pháp luật, nhu cầu về sử dụng khoáng sản trong nước và thế giới thời gian qua để từ đó đưa ra các giải pháp điều chỉnh chiến lược phù hợp.
Bổ sung vào quan điểm chỉ đạo về việc nhập khẩu một số loại khoáng sản nhằm phục vụ các ngành công nghiệp trong nước.
Cần có mốc thời gian cụ thể
Tại khoản 3, Điều 1 (mục tiêu): Cần đưa ra mốc thời gian cụ thể để hoàn thành công tác lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản.
Theo điểm d, khoản 1, Điều 59 của Luật Quy hoạch thì đối với các quy hoạch về hàng hóa, sản phẩm VLXD ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, sản phẩm được sản xuất và tiêu thụ sẽ hết hiệu lực chậm nhất ngày 31/12/2018.
Do vậy, tại mục b, khoản 4, Điều 1 (khoáng sản làm nguyên liệu xi măng), đề nghị điều chỉnh lại như sau: “khoáng sản làm nguyên liệu xi măng: Thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản cho các dự án xi măng theo nhu cầu; không khai thác đá vôi dọc hai bên tuyến đường quốc lộ để bảo vệ cảnh quan môi trường”.
Ngoài ra nội dung “hạn chế phát triển các mỏ mới” nên bỏ ra khỏi nội dung của chiến lược điều chỉnh do chưa rõ về nội hàm; Đồng thời, theo quan điểm của Bộ Xây dựng, các loại khoáng sản làm VLXD nói chung và khoáng sản làm xi măng nói riêng cần đưa vào quy hoạch lâu dài để quản lý, cấp phép phù hợp với nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế.
Nội dung này cũng phù hợp với quan điểm định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030: “Khoáng sản là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước, phải có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sử dụng hiệu quả, góp phần vào tăng trưởng chung và bền vững của nền kinh tế...”.
Tại mục b, khoản 4, Điều 1 (khoáng sản đá hoa trắng): Thay thế cụm từ: “Khoáng sản đá hoa trắng, đá vôi trắng” thành cụm từ: “Khoáng sản đá hoa” cho phù hợp với thuật ngữ chuyên môn.
Tại mục c, khoản 6, Điều 1 (giải pháp tài chính): Đề nghị bổ sung việc xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi để khuyến khích việc khai thác, sử dụng các loại vật liệu khác (cát nghiền, tro xỉ thạch cao...) để sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường nhằm thay thế các loại khoáng sản truyền thống.
Thanh Nga
Bình luận facebook