Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đưa ra những giải pháp điều hành giá phù hợp
20/07/2022 - 11:48 AM

Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế thế giới trải qua nhiều biến động khó lường và đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát cao kỷ lục tại nhiều quốc gia và đang lan nhanh toàn cầu. Thêm vào đó, xung đột vũ trang giữa Nga và Ucraina kéo dài, chính sách zero Covid của Trung Quốc… đã làm tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu kéo dài đẩy giá các mặt hàng năng lượng và vật tư chiến lược tăng cao. Để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Tại cuộc họp ngày 8/7, Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung nắm bắt

tình hình, nghiên cứu, đánh giá, đưa ra những giải pháp phù hợp trong điều kiện

Dự kiến nhập trên 400 ngàn tấn LPG phục vụ thị trường trong nước

Bình quân 6 tháng đầu năm 2022, giá khí hóa lỏng (LPG) thế giới đạt mức 827,08 USD/tấn, cao hơn 276,67 USD/tấn (tương đương tăng khoảng 50,26%) so với 6 tháng đầu năm 2021. 

Do giá LPG thế giới tháng 6/2022 giảm, giá bán lẻ LPG trong nước được điều chỉnh giảm khoảng 31.000 đồng/bình 12 kg từ ngày 01/06/2022 (tháng 1 giảm khoảng 8.000 đồng/bình 12 kg, tháng 2 tăng khoảng 16.000 đồng/bình 12 kg, tháng 3 tăng khoảng 44.000 đồng/bình 12 kg, tháng 4 tăng khoảng 14.000 đồng/bình 12 kg, tháng 5 giảm giảm khoảng 29.000 đồng/bình 12 kg). Như vậy, từ đầu năm 2022, giá bán lẻ LPG trong nước được điều chỉnh giảm 3 lần (tháng 1, 5 và tháng 6), tăng 3 lần (tháng 2, 3, 4) với tổng mức tăng là khoảng 4.000 đồng/bình 12 kg so với thời điểm cuối năm 2021. Hiện giá bán lẻ LPG dao động ở quanh mức 453.000-488.000 đồng/kg bình 12kg, tùy thương hiệu và nhà cung cấp.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, LPG nhập khẩu ước đạt 854 ngàn tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ 2021. nhu cầu tiêu thụ LPG nội địa 6 tháng đầu năm 2022 giảm là do giá LPG duy trì ở mức cao làm giảm tính cạnh tranh so với các nhiên liệu thay thế dẫn đến giảm nhu cầu tiêu thụ. Dự kiến nhu cầu tiêu thụ LPG năm 2022 sẽ xấp xỉ bằng 2021, đạt khoảng 2,28 – 2,29 triệu tấn. Trong 6 tháng cuối năm 2022, trên cơ sở cân đối nguồn LPG sản xuất trong nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã có kế hoạch nhập khẩu LPG khoảng 420 ngàn tấn để phục vụ cho thị trường trong nước. 

Mặt hàng điện ổn định

Trong các tháng đầu năm 2022, giá điện được thực hiện ổn định theo quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Trên cơ sở báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại Văn bản số 19/EVN-TCKT ngày 24/3/2022, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính có các cuộc họp với EVN về việc thẩm định phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2022. Ngày 23/6/2022, Bộ Công Thương có Văn bản số 3539/BCT-ĐTĐL về phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2022, theo đó, giá lẻ điện bình quân năm 2022 không bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá khoảng 1.915,59 đồng/kWh, tăng 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành (1.864,44 đồng/kWh). Với mức tăng giá bán lẻ điện bình quân này, EVN chưa đủ thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh tăng (theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, EVN được quyền điều chỉnh khi mức giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3% đến dưới 5%). Vì vậy, trong các tháng đầu năm 2022, giá điện được thực hiện ổn định theo quy định của Bộ Công Thương về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán.

Cước phí vận tải tăng

Do tác động biến động giá xăng dầu năm 2022, giá cước vận tải hành khách bằng đường bộ tại một số địa phương đã có điều chỉnh tăng; giá cước vận tải hàng hóa cũng tăng khoảng từ 10-20% tùy theo cung đường và loại hàng hóa. 

Riêng đường sắt tiếp tục ổn định các phương pháp xác định giá, mức giá điều hành GTVT và giá dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật vận tải liên quan như đã công khai, niêm yết. Các mức giá này tương đương mức giá năm 2020 và đảm bảo không cao hơn mức giá quy định tại Thông tư số 11/2019/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT. Trong thời điểm hiện tại, sản lượng vận tải hành khách đang ở mức thấp kỷ lục; lĩnh vực đường sắt đang phải thực hiện nhiều chính sách giảm giá vé để thu hút hành khách đi tàu. Vì vậy, nếu thực hiện điều chỉnh tăng giá vé theo giá nhiên liệu thị trường, sẽ dẫn đến khả năng làm sản lượng vận tải hành khách tiếp tục bị sụt giảm sâu và làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội của ngành đường sắt.

Bên cạnh đó, mặc dù sản lượng vận tải hàng hóa đang có sự tăng trưởng, tuy nhiên việc tăng giá cước vận tải hàng hóa bằng đường sắt cũng đang được các Công ty vận tải tính toán điều chỉnh cho phù hợp với thị trường để đảm bảo sự cạnh tranh với phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy. Hiện tại giá cước vận tải hàng hóa bằng đường sắt đang được các Công ty vận tải điều chỉnh tăng từ 3% đến 5% so với mức giá cước đã công bố từ đầu năm.

Trong 6 tháng đầu năm, giá cước vận tải biển gần như không bị tác động bởi giá nhiên liệu mà còn có xu hướng giảm do cung cầu thị trường và chuỗi cung ứng dần phục hồi sau đại dịch Covid-19. Ngày 29/6/2022, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 6524/BGTVT-VT về việc hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam trước tình trạng giá nhiên liệu tăng, theo đó đề nghị các công ty hoa tiêu áp dụng mức thu giá tối thiểu dịch vụ hoa tiêu đối với tàu biển Việt Nam hoạt động nội địa, thời gian áp dụng tháng 7/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Giá vật liệu xây dựng tăng giảm đan xen 

Theo thông tin của Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm, giá thép xây dựng đã tăng 7 lần và cũng giảm 7 lần, riêng tháng 3/2022, giá thép tăng nóng 6 lần, vượt mức 19 triệu đồng/tấn và tăng khoảng 2,4 triệu đồng/tấn so với cuối năm 2021. Tuy nhiên trong 2 tháng tiếp theo, giá thép đã giảm 7 lần, đưa giá thép trở về mặt bằng giá các tháng cuối năm 2021, trung bình hiện nay khoảng hơn 18.000 đ/kg.

Ngược lại với giá thép có tăng có giảm, giá xi măng liên tục tăng trong 6 tháng qua, hiện tại khoảng 1.800-2.000 đ/kg, tăng 13% so với giá xi măng đầu năm 2022 và tăng 70% so với quý IV/2020. Nguyên nhân do giá nguyên vật liệu đầu sản xuất xi măng như xăng dầu, đặc biệt là than đá tăng mạnh (than đá tăng hơn 200% so với giá cùng kỳ năm trước), mặc dù nguồn cung về xi măng đang dư thừa.

Giá nhựa đường cũng liên tục tăng trong 6 tháng đầu năm; đến tháng 6/2022 tăng 30,8% cùng kỳ năm 2021, tăng khoảng 15% so với quý IV/2021 và tăng khoảng 30% so với quý IV/2020. Đây là thời điểm nhựa đường có giá cao nhất trong vòng 5 năm qua. Nguyên nhân do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá xăng dầu trên thế giới và trong nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá cát xây dựng có xu hướng tăng nhẹ, bình quân 1,51% hàng tháng; giá đá xây dựng tại khu vực miền Nam có xu hướng giảm nhẹ, trong khi đó khu vực miền Bắc và miền Trung có xu hướng tăng hàng tháng, bình quân từ 2,2% ÷ 2,9%/tháng. Riêng giá vật liệu đất đắp không có biến động nhiều tại các tỉnh khu vực phía Bắc, tuy nhiên, một số địa phương khu vực Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long nơi có các dự án đường cao tốc đi qua, giá vật liệu đất đắp tại mỏ có biến động khá lớn.

Giá các mặt hàng nông nghiệp tăng mạnh

Theo thông tin của Bộ NNPTNT, do ảnh hưởng của giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ 2021, dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm cũng tăng từ 36-38%.

Giá phân bón trong nước hiện đang ở mức cao so với các năm trước. Giá phân bón trong nước thời gian qua chịu nhiều tác động bởi giá phân bón thế giới. Trong nước, ảnh hưởng bởi giá phân bón thế giới, giá bán lẻ phân bón các loại cũng có xu hướng tăng, nhất là phân đạm SA và Kali. So với tháng 6 tháng đầu năm 2021, giá phân bón hiện tăng khoảng 5.100-6.200 đồng/kg.

6 tháng đầu năm 2022, giá lợn hơi tại các vùng trên cả nước tăng 15 - 22% so với cuối năm 2021. Giá lợn hơi tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt tăng trở lại do các hoạt động du lịch, văn hóa và lễ hội, các nhà hàng, nhà ăn tại trường học và nhà máy mở cửa trở lại. 

Giá lúa trong nước diễn biến tăng, trong đó, lúa thường IR50404 tươi ở mức 5.400 - 5.500 đ/kg (tăng 200 đ/kg); lúa khô 6.500 - 6.600 đ/kg (tăng 300 - 400 đ/kg). Lúa chất lượng cao OM 5451 ở mức 5.500 - 5.600 đ/kg (lúa tươi) và 6.600 - 6.800 đ/kg (lúa khô), tăng 200 - 300 đ/kg. 

Cần cân đối cung cầu trong nước

Dự báo, trong 6 tháng còn lại của năm 2022, tình hình kinh tế, địa –chính trị thế giới còn rất nhiều phức tạp, diễn biến khó lường, tác động đan xen trong đó có tác động từ việc điều chỉnh chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thắt 2 chặt của nhiều nước tác động đến tỷ giá trong nước, những nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai, bão lụt…. có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ từ đó gây áp lực lớn lên mặt bằng giá. Giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, LPG, gas vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch… Giá thịt lợn chịu nhiều áp lực khi giá thức ăn chăn nuôi tăng có thể tăng nếu nguồn cung tái đàn không đảm bảo tương ứng với nhu cầu và Dịch tả lợn Châu Phi vẫn diễn biến phức tạp. Bộ Công Thương dự báo, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục dao động quanh mức cao trong quý III/2022 và hạ nhiệt trong quý IV/2022.

Do đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo công tác quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm không được chủ quan, lơ là, các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung nắm bắt tình hình, nghiên cứu, đánh giá, đưa ra những giải pháp phù hợp trong điều kiện, dư địa cho phép.

Tại văn bản số 209/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá 6 tháng đầu năm 2022 và định hướng công tác quản lý, điều hành giá 6 tháng cuối năm 2022; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục theo dõi tình hình, chủ động điều hành để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu; theo dõi sát diễn biến giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp; nghiên cứu có chính sách hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu công tác điều hành cụ thể đối với từng mặt hàng như sau:

Đối với mặt hàng điện, trước mắt trong thời gian tới xem xét chưa điều chỉnh tăng, tuy nhiên trước áp lực tăng giá của các nguyên liệu đầu vào cần tiết kiệm chi phí, kiểm soát, tính toán, xử lý những tồn tại liên quan đến chi phí để giữ ổn định giá điện.

Đối với cước phí vận tải, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục theo dõi nắm bắt tình hình, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; rà soát việc tăng giá phải phù hợp với diễn biến và cơ cấu của chi phí xăng dầu trong chi phí vận tải.

Với giá vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ ngành và địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các mỏ đất, đá, cát xây dựng… xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng của các công trình trọng điểm quốc gia.

Các bộ, ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải thường xuyên theo dõi, kịp thời có giải pháp để đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, khuyến khích tiêu dùng tại chỗ đối với một số mặt hàng để giảm chi phí vận chuyển.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, có chính sách quản lý thị trường ngoại hối phù hợp để ổn định giá trị đồng tiền, đảm bảo nhu cầu ngoại tệ hợp pháp trong nước; thực hiện chính sách điều hành lãi suất, điều hành tín dụng hợp lý, kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp găm giữ, thao túng thị trường ngoại tệ…

Mộc Lan

Bình luận facebook